Home Chưa được phân loại Các loại gỗ công nghiệp chịu nước, chống ẩm tốt nhất

Các loại gỗ công nghiệp chịu nước, chống ẩm tốt nhất

0
Các loại gỗ công nghiệp chịu nước, chống ẩm tốt nhất

Các loại gỗ công nghiệp chịu nước, chống ẩm

Khi nói đến gỗ công nghiệp thì điểm yếu lớn nhất là khả năng chống nước chống ẩm. Nhưng đó là nói đến các loại cốt gỗ thông thường và chưa có mặt phủ. Vì đa phần gỗ công nghiệp có cốt gỗ dạng bột, sợi, dăm, lạng mỏng…nên chúng có liên kết yếu, xốp và dễ thấm nước. Khi thấm nước thì độ nở nhanh và mạnh, phá vỡ kết cấu gỗ. Hãy thử với 1 tấm MDF lõi thường chưa phủ mặt, khi bạn nhỏ vài giọt nước vào, chỉ một lúc sau đã thấy nó phồng lên và vuốt tay nhẹ đã bung.

Nhưng với các loại gỗ công nghiệp chịu nước, chống ẩm thì lại khác. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết các loại gỗ công nghiệp chịu nước và chống ẩm tốt nhất hiện nay dưới đây nhe.

Gỗ nhựa composite chịu nước làm ván sàn
Gỗ nhựa composite có khả năng chống nước tốt nhất, có thể dùng làm ván lót sàn quanh bể bơi – nơi chịu nước hàng ngày

– Gỗ nhựa (WPC) chống nước tốt nhất

Nói đến loại gỗ công nghiệp chống chịu nước tốt nhất thì gỗ nhựa composite đứng đầu bảng. Loại gỗ này được làm với 70% thành phần nhựa, khoảng 15% là bột gỗ và khoảng 15% là các hóa chất phụ gia tổng hợp. Nó gần như trơ với nước, chống nước thoải mái, thậm chí ngâm nước.

Chính khả năng chống nước cực tốt nên cốt gỗ nhựa thường được dùng cho các đồ nội thất trong môi trường ẩm thấp như sàn nhà, tủ bếp, cửa hay tủ trong nhà vệ sinh, sàn và lan can ban công, tấm lót sàn quanh bể bơi,… Gỗ nhựa không chỉ chống nước tốt mà nó còn bền màu và chịu nắng tốt. Bởi vậy gỗ nhựa composite còn dùng để lát đường đi công viên, làm mặt ghế ngồi ngoài trời, trụ và thanh chắn hàng rào…

Là loại gỗ công nghiệp chống nước tốt nhất nhưng Gỗ Nhựa composite cũng có giá bán cao nhất. Chỉ nên sử dụng ở những vị trí thực sự cần thiết, các vị trí khác quý khách có thể tham khảo các vật liệu rẻ hơn dưới đây.


Các loại gỗ công nghiệp HDF
Hình ảnh cốt gỗ HDF loại thường, HDF lõi xanh và lõi đen chống ẩm

– Gỗ HDF lõi xanh và lõi đen chịu nước tốt

HDF là ván gỗ công nghiệp dạng sợi ép mật độ cao. Nó có nguyên liệu và quy trình sản xuất giống với MDF (cũng say gỗ thành bột/sợi, trộn với keo và phụ gia rồi ép ở áp suất và nhiệt độ cao). Tuy nhiên ván HDF sử dụng hạt gỗ nhỏ và mịn hơn, ép với lực lớn hơn…nên tấm gỗ chắc, năng và tốt hơn MDF.

Tuy nhiên ván sợi HDF thường không chống được nước hay độ ẩm cao. Để tăng khả năng chống ẩm nhà sản xuất thêm vào thành phần keo một chất phụ gia chống ẩm, nó giúp “bọc kín” các hạt gỗ ngăn thấm nước và giãn nở. Bởi vậy, bạn có thể sử dụng HDF trong các môi trường có độ ẩm cao như tủ nhà vệ sinh, tủ âm tường, tủ bếp hay mặt bàn ăn (nơi thường xuyên có nước rơi vãi)… Tất nhiên, gỗ HDF chống ẩm vẫn cần một mặt phủ tốt, và đó thường là Laminate hoặc Acrylic (thường dùng với tủ bếp).

Để phân biệt với gỗ HDF thường (có màu nâu gỗ đặc trưng) thì các loại HDF chống ẩm thường có màu xanh. Ngoài ra, gần đây Công ty An Cường còn cho ra loại Black-HDF với chất gỗ màu đen cũng có khả năng chống ẩm rất tốt.


Các loại gỗ công nghiệp MDF
Hình ảnh các loại gỗ MDF, trong đó MDF lõi xanh là loại gỗ công nghiệp chống ẩm

– Gỗ MDF lõi xanh chống ẩm

MDF là ván ép sợi mật độ trung bình. Nó được tạo thành bằng các trộn bột sợi gỗ với keo dính chuyện dụng, sau đó ép nóng ở nhiệt độ và áp suất cao để tạo thành tấm.

Gỗ MDF lõi xanh chống ẩm: giống như gỗ MDF thường nhưng được bổ sung chất kháng ẩm, loại này có cốt màu xanh đặc trưng nên còn được gọi là gỗ MDF lõi xanh. Dung dịch keo dính được pha thêm chất phụ gia đặc biệt giúp tăng độ kết dính, ngăn thấm nước và giãn nở các sợi gỗ… Gỗ lõi xanh chống ẩm vì vậy bền hơn và chịu nước tốt, thích hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Khi kết hợp gỗ MDF lõi xanh với bề mặt phủ Laminate khả năng chống ẩm thực sự tuyệt vời. Có thể dùng đóng các đồ nội thất dưới tầng trệt có độ ẩm cao, làm cửa nhà vệ sinh, tủ bếp, tủ toilet hay tủ âm tường, sàn nhà…


Gỗ ván dăm MFC
Gỗ ván dăm MFC có loại thường, loại lõi xanh chống ẩm (cũng có cả MFC lõi đỏ chống cháy)

– Gỗ ván dăm MFC chống ẩm

Tương tự với MDF và HDF chống ẩm ở trên, loại gỗ ván dăm MFC chống ẩm cũng thường có cốt gỗ màu XANH đặc trưng. Tất nhiên màu xanh không phải là tác nhân chống ẩm, nó chỉ dùng để nhận diện và phân biệt. Yếu tố giúp gỗ công nghiệp MFC chống ẩm tốt là ở chất phụ gia chống ẩm được cho vào khi sản xuất.

Khả năng chống ẩm chống nước của gỗ công nghiệp ván dăm MFC không thực sự ấn tượng nếu không có lớp phủ tốt. Tối ưu nhất là dán mặt phủ Laminate, vừa giúp chống nước tốt, làm cho bề mặt cứng hơn, vừa bền vừa có khả năng chống xước nữa. Các lớp phủ khác như Melamine cũng tốt (nhưng mỏng và dễ xước)…


gỗ ván ép Plywood là gì
Hình ảnh gỗ ván ép công nghiệp Plywood

– Khả năng chống ẩm của Plywood

Plywood là ván gỗ công nghiệp được tạo thành từ các ván lạng mỏng (còn gọi là veneer) và ghép lại nhiều lớp với nhau bởi keo, ép nóng tạo thành tấm. Điểm đặc biệt là ở cách ghép của plywood, số tấm phải là số lẻ và 2 tấm liền nhau được ghép nghịch hướng với nhau (1 tấm thớ ngang đến 1 tấm thớ dọc).

Chính kiểu ghép này giúp cho các tấm gỗ có độ giằng co, chống chịu lực tốt hơn và cũng chống giãn nở tốt hơn. Bởi vậy, khả năng chống ẩm của gỗ ván ghép Plywood được chứng minh là tốt hơn so với MDF, HDF hay MFC. Nếu 1 bề mặt bị dính nước, nó sẽ nở ra, nhưng các mặt của tấm gỗ liền kề nó sẽ co dữ lại.

Tuy nhiên đó là khả năng chống ẩm ở mức độ thấp và trong thời gian ngắn, chứ gỗ công nghiệp Plywood cũng không thể chịu được độ ẩm cao hay nước trực tiếp. Việc thêm chất phụ gia chống ẩm (như khi sản xuất HDF, MDF hay MFC) là không khả thi với gỗ ván ép Plywood. Muốn tăng khả năng chống ẩm bạn cần 1 lớp phủ bề mặt đủ tốt, tất nhiên nên dùng Acrylic, Laminate hay Melamine.


Gỗ ghép thanh
Gỗ ghép thanh có ưu điểm chống nước của gỗ tự nhiên, nhất là khi được sơn phủ bề mặt tốt.

– Ván gỗ ghép thanh

Một loại cốt gỗ công nghiệp chống nước chống ẩm tốt mà bạn có thể sử dụng đó là ván gỗ ghép thanh. Do được tạo thành từ các thanh gỗ tự nhiên, ghép lại với keo và mối nối răng cưa (mối nối khớp ngón tay) nên gỗ ghép thanh vẫn có những ưu điểm của gỗ tự nhiên. Một trong những ưu điểm nổi bật đó là khả năng chống nước và độ ẩm.

Bởi tính chống ẩm tốt nên gỗ ghép thanh có thể làm mặt bàn cho các quán cà phê, mặt bàn quán ăn,…nơi thường xuyên tiếp xúc với nước, thường xuyên phải lau chùi bằng khăn ướt. Tuy nhiên nên đánh bóng bề mặt và phủ lớp sơn PU dày để tăng độ bền, bảo vệ các khớp nối, cũng để chống nấm mốc nữa…


– Ván OSB phủ mặt chống nước

Ván OSB hay còn gọi là ván dăm định hướng, là ván gỗ công nghiệp được tạo thành bởi các dăm khá dài sắp xếp theo định hướng (dọc với cạnh dài tầm gỗ). Loại ván gỗ công nghiệp này ít được dùng ở Việt Nam nhưng lại rất phổ biến ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Được sử dụng làm tấm lót sàn, ốp tường, ốp mái nhà… Với loại ván OSB chống ẩm (thường được phủ keo chống ẩm mặt ngoài) có thể được dùng làm hàng rào, tấm khuôn đúc bê tông…

Các tấm ván dăm định hướng OSB chống nước tốt
Các tấm ván dăm định hướng OSB chống nước tốt, có thể làm hàng rào ngoài trời rất bền sau nhiều năm

Các lớp phủ bề mặt gỗ công nghiệp chống nước tốt nhất

Ở phần trên chúng ta đã được tham khảo các loại gỗ công nghiệp chịu nước và chống ẩm. Tuy nhiên khả năng chống ẩm chỉ là tương đối và trong thời gian ngắn (trừ gỗ nhựa composite). Một yếu tố giúp gỗ công nghiệp chống nước chống ẩm tốt không thể bỏ qua đó là lớp phủ bề mặt. Kết hợp giữa lõi gỗ chống ẩm và bề mặt phủ tốt chính là lựa chọn hoàn hảo.

– Bề mặt Acrylic chống nước tốt nhất

Acrylic là một loại mặt phủ gỗ công nghiệp khá được ưa thích, nhất là làm tủ bếp. Có thể phủ lên các cốt gỗ như MDF, gỗ MFC, gỗ HDF, ván dăm Okal,… Lớp phủ Acrylic thường gồm 3 lớp nhỏ khác là: lớp nhựa melamine (phủ mặt dưới, bảo vệ cốt gỗ), lớp nhựa màu trang trí, lớp mặt chống xước tạo độ bóng.

Tấm phủ Acrylic cho gỗ công nghiệp
Gỗ công nghiệp phủ mặt Acrylic giúp chống nước chống ẩm rất tốt

Ưu điểm nổi bật của vật liệu acrylic là bề mặt trơn bóng, không thấm nước, dễ lau chùi vệ sinh, chịu nhiệt tốt, ít bám bụi, có độ dẻo nên dễ dàng trong việc uốn để tạo hình sản phẩm,… độ cứng và độ bền cao với tuổi thọ có thể lên tới 20 năm. Tuy nhiên giá của loại tấm phủ này khá cao, việc thi công cũng phức tạp hơn, cần máy móc hỗ trợ để đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ tốt.

– Bề mặt Laminate chống ẩm hiệu quả

Laminate là bề mặt phủ gỗ công nghiệp được ưa chuộng nhất hiện nay. Nó vừa có màu sắc đẹp và đa dạng, bề mặt sần sần tạo cảm giác sang và chắc, chống xước cực tốt… Với cấu tạo 3 lớp, trong đó có lớp bảo vệ bề mặt trong suốt, tấm phủ Laminate cũng có khả năng chống nước cực hiệu quả. Nhìn chung, nếu đã dán laminate kín thì dù bạn có đổ nước lên cũng vẫn an tâm, lau chùi ướt thoải mái….

Bởi vậy gỗ công nghiệp dán mặt phủ Laminate có thể làm sàn nhà, tủ âm tường, tủ bếp, mặt bàn ăn…là những nơi cần một loại gỗ công nghiệp chống ẩm tốt nhất.

So sánh bề mặt phủ Laminate và Melamine
Hình ảnh 2 tấm gỗ MDF được phủ mặt Laminate và Melamine. Trong đó Laminate dày hơn và chống nước tốt hơn.

– Bề mặt Melamine tương đối

Melamine cũng là một bề mặt phủ gỗ công nghiệp đẹp và có khả năng chống nước chống ẩm. Giá thành rẻ hơn 2 loại trên khá nhiều. Tuy nhiên chất liệu phủ này khá mỏng, chống xước kém hơn…vì vậy bề mặt nội thất cần sử dụng cẩn thận, nếu để rách xước sẽ là một vị trí giúp nước thấm vào bên trong.

Ngoài ra, việc đánh bóng và phủ sơn chuyên dụng chống ẩm nhiều lớp cũng là cách bảo vệ gỗ công nghiệp. Tuy nhiên nhược điểm của sơn là dễ bị xước, một số chi tiết như mặt bàn ăn bạn có thể dùng thêm mặt kính để bảo vệ.


Trên đây Top Nội Thất đã giới thiệu quý khách các loại gỗ công nghiệp chịu nước và chống ẩm tốt nhất, cùng một số loại mặt phủ hỗ trợ chống nước hiệu quả. Chúc quý khách chọn được chất liệu ưng ý cho sản phẩm và dự án của mình.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here